ISBN-13: 9781545518465 / Wietnamski / Miękka / 2017 / 166 str.
Một trong những sáng tạo độc đáo có thể được xem là vĩ đại nhất trong lịch sử toàn nhân loại chính là Thiền học. Sở dĩ có thể nói như thế, là vì trong suốt bề dày lịch sử hình thành và phát triển, thiền đã và đang mang lại cho nhân loại những giá trị tốt đẹp có ý nghĩa đối với mọi dân tộc và mọi thời đại. Những ảnh hưởng tích cực của thiền đối với cuộc sống con người không hề bị giới hạn bởi bất cứ yếu tố khác biệt nào, cho dù đó là chủng tộc, giai cấp, tuổi tác hay giới tính... Tất cả chúng ta đều bình đẳng và có cơ hội như nhau khi đến với thiền. Sự phát triển mạnh mẽ của thiền trong những năm gần đây ở các nước phương Tây đã chứng minh điều này. Thiền không chỉ là “tinh hoa văn hóa phương Đông” như đã được thừa nhận từ lâu, mà đang dần dần trở nên quen thuộc và phát triển ngay trong lòng những xã hội công nghiệp hiện đại náo nhiệt nhất, mặc dù điều này có vẻ như một nghịch lý khi so sánh với tính chất tĩnh lặng từ nhiều thế kỷ qua khi thiền phát triển ở các nước phương Đông.
Chúng ta đều biết, người đầu tiên khơi mở nguồn thiền cho nhân loại là đức Phật Thích-ca Mâu-ni, bởi vì thiền vốn dĩ là một trong các pháp môn do ngài truyền dạy. Tuy nhiên, những gì mà chúng ta biết được hôm nay về thiền học còn có cả sự đóng góp của nhiều thế hệ thiền sư, những người đã trực tiếp truyền nối và phát triển thiền học. Họ không chỉ tiếp nhận những tinh túy của các bậc thầy đi trước truyền lại, mà mỗi người còn đóng góp sự sáng tạo của mình vào tính chất phong phú và độc đáo của thiền. Chính nhờ vào điều này mà trải qua hơn 25 thế kỷ, thiền vẫn luôn giữ được tính chất sinh động, linh hoạt và bắt kịp mọi sự thay đổi chuyển biến của từng thời đại, cũng như nhanh chóng thích nghi với mọi điều kiện phát triển trong từng xã hội khác nhau.
Tuy nhiên, tiếp nhận thiền vào cuộc sống của mỗi người và tìm hiểu về thiền là hai việc khác nhau. Một số người may mắn có thể bắt tay ngay vào việc thực hành thiền để tự mình có thể đạt được phần lợi ích thiết thực ngay trong cuộc sống mỗi ngày. Đây cũng có thể xem là mục đích chính của thiền. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khác, việc tìm hiểu thiền được đòi hỏi như một động cơ tích cực ban đầu để giúp cho những người chưa bước chân vào thiền có thể có được những cơ sở xác lập niềm tin trước khi khởi sự thực hành thiền.